Home
» Sâu Và Bệnh
» Quy trình quản lý bệnh đốm trắng tạm thời trên cây thanh long tại các tỉnh phía Nam
Quy trình quản lý bệnh đốm trắng tạm thời trên cây thanh long tại các tỉnh phía Nam
26/12/14
Bệnh đốm trắng thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt tên cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu sâu hơn và xây dựng quy trình quản lý hiệu quả và bền vững cho bệnh này trên cây thanh long, Viện CĂQ miền Nam đã tiến hành nghiên cứu và đạt được một số kết quả bước đầu rất có triển vọng có thể áp dụng vào SX.
Sau đây là Quy trình quản lý bệnh đốm trắng tạm thời trên cây thanh long tại các tỉnh phía Nam:
QUY TRÌNH
QUẢN LÝ BỆNH ĐỐM TRẮNG (Neoscytalidium dimidiatum)TẠM THỜI TRÊN CÂY THANH LONG (Hylocereus undatus L.) TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM
1. Phạm vi áp dụng
Qui trình quản lý bệnh đốm trắng tạm thời trên cây thanh long được áp dụng cho vùng trồng thanh long ở các tỉnh phía Nam.
2. Bệnh đốm trắng
Bệnh đốm trắng hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng tráithanh long và có xu hướng ngày càng phát triển và lây lan rộng trên diện lớn, ảnh hưởng đến xuất khẩu.
2.1. Triệu chứng:
Trên cành: Khi mới xuất hiện, vết bệnh là những chấm li ti (như vết kim châm) nhỏ hơi lõm vào bề mặt bẹ hoặc trái (Hình a) và chuyển sang màu trắng sau khoảng 3-4 ngày. Về sau vết bệnh xuất hiện những chấm nhỏ màu cam ở vị trí trung tâm được bao bọc bởi vòng tròn màu vàng (10-20 ngày) (Hình b) và dần dần vết bệnh nổi lên thành đốm tròn màu nâu (18-20 ngày) (Hình c).
Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, các vết bệnh phát triển lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mãng lớn làm sần sùi bề mặt cành (Hình d), trong một số trường hợp bệnh gây thối từng mảng lớn (Hình e).
Trên quả: Bệnh tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của quả, đặc biệt ở giai đoạn sau trổ hoa và giai đoạn chuẩn bị chín. Triệu chứng bệnh gây hại trên quả cũng tương tự như trên cành và những quả nhiễm bệnh nặng thì không thể bán được (Hình f).
2.2. Tác nhân: Do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra.
2.3. Điều kiện phát sinh, phát triển:
Bệnh chủ yếu xuất hiện và tấn công mạnh vào mùa mưa (tháng 5-11dl). Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 30-350C và ẩm độ càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tấn công và lây lan nhanh.
2.4. Nguồn bệnh và sự lây lan
- Ở điều kiện ngoài đồng, bệnh thường tồn tại trong đất, tán cây, xác bả thực vật có trên vườn hoặc trên cành, trái bị bệnh không được tiêu huỷ.
- Bệnh có thể lây lan thông qua gió, mưa bão, nước, dụng cụ cắt tỉa,…
Hình : Bệnh đốm trắng với các triệu chứng gây hại khác nhau: a. vết kim châm; b. vết loét; c. vết bệnh nổi lên bề mặt và có màu nâu; d. vết bệnh liên kết với nhau thành từng mãng; e. bệnh tấn công trên trái.
3. Bệnh trình quản lý tổng hợp bệnh tạm thời
Bệnh đốm trắng là loài dịch hại mới, khó quản lý và do tính đặc thù của cây thanh long là có khả năng ra hoa, mang quả gần như liên tục quanh năm nên việc phòng trị bệnh phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ và triệt để thì mới đạt hiệu quả cao.
3.1. Biện pháp vệ sinh đồng ruộng:
Đây là một trong những biện pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý bệnh đốm trắng nhằm làm giảm nguồn bệnh hiện diện trên vườn, tránh sự phát tán và lây lan trong môi trường, bao gồm:
- Thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ và tiêu huỷ triệt để bằng cách cắt và chôn sâu hoặc đốt các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh. Tuyệt đối không được vứt bỏ trên mặt líp hay quăng xuống mương nước sẽ làm mầm bệnh dễ lây lan. Ngoài ra, có thể sử dụng máy băm cành thanh long để băm nhỏ cành bị nhiễm bệnh và ủ hoai sử dụng làm phân hữu cơ. Đây là cách làm hiệu quả nhất đối với những nông hộ không có điều kiện tiêu huỷ bằng cách chôn sâu.
- Nên tiến hành cắt tỉa sau mỗi vụ thu hoạch hay cắt tỉa định kỳ để loại bỏ bớt những cành vô hiệu, cành ốm yếu, cành nằm sâu bên trong tán để tạo điều kiện thông thoáng cho vườn cây dễ phun xịt, thuốc tiếp xúc đều và phun sát trùng vết thương bằng nhóm thuốc gốc đồng.
- Nên vệ sinh dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động sạch sẽ trước, trong và sau khi sử dụng. Đặc biệt chú ý nên khử trùng đối với dụng cụ cắt tỉa (kéo cắt cành, liềm) bằng dung dịch khử trùng (cồn 700) khi phải cắt tỉa từ cây bị nhiễm bệnh sang cây khoẻ.
3.2. Biện pháp canh tác
- Bón phân N-P-K, trung vi lượng cân đối, đầy đủ và hợp lý theo quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Chú ý không nên bón quá nhiều phân đạm (hoặc phân bón lá) để thúc cây ra đọt non và bón bổ sung nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma cho cây.
- Dọn sạch cỏ và tạo điều kiện thoát nước tốt, nhanh chóng cho vườn thanh long trong mùa mưa bão. Đối với những vườn được trồng bằng trụ sống (me tây) phải khống chế tối đa sự che phủ phía trên đầu (đỉnh) trụ để tạo điều kiện thuận lợi cho cành thanh long có thể nhận được ánh sáng được đầy đủ hơn.
- Tăng cường chăm sóc vườn cây đầy đủ hơn (bón phân, phun thuốc BVTV,…) đối với vụ thuận (mùa mưa).
- Tránh sử dụng nguồn nước ô nhiễm bệnh (do quăng cành, quả nhiễm bệnh xuống kênh, ao) để tưới trực tiếp lên tán cây (tưới qua gốc). Nên quản lý kỹ nguồn nước tưới.
- Đối với những vùng đất có pH đất thấp, nên bón vôi định kỳ 1-2 lần/năm vào cuối mùa nắng và giữa mùa mưa (liều lượng bón 100-120kg/1.000m2).
- Điều chỉnh số lần xử lý ra hoa nghịch vụ phù hợp vào tình hình sức khoẻ, sinh trưởng của vườn cây, tránh khai thác quá mức dẫn đến cây suy kiệt và dễ bị bệnh tấn công.
3.3. Biện pháp sinh học:
- Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh có lợi (nấm Trichoderma) kết hợp với bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục, chế biến để bón cho cây.
3.4. Biện pháp giống:
- Khi có nhu cầu trồng mới, nên lựa chọn hom giống khoẻ từ những cây, vườn thanh long không bị nhiễm bệnh hoặc mua từ những cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh cây giống có uy tín và chất lượng.
3.5. Biện pháp hoá học:
Bệnh đốm trắng chủ yếu tấn công chủ yếu vào thời điểm mùa mưa và gây hại nặng trên các bộ phận non của cây, do đó cần có kế hoạch quản lý việc phun xịt thuốc BVTV để công tác phòng trị bệnh đảm bảo đạt hiệu cao nhất và an toàn.
- Sau khi thu hoạch quả cuối vụ, cắt tỉa cành nhiễm bệnh, cành vô hiệu để tạo điều kiện thông thoáng và có thể phun ướt đều khử trùng toàn bộ tán cây bằng nhóm thuốc trừ nấm phổ rộng (gốc đồng,…). Đặc biệt đối với những vườn cây lâu năm, ít cắt tỉa và nhiễm bệnh nặng cần phải phun thuốc thật kỹ phía bên trong tán.
- Khi bệnh mới xuất hiện, tiến hành phun thuốc càng sớm càng tốt, chú ý phun luân phiên các loại thuốc chứa hoạt chất Mancozeb, Carbendazim + Hexaconazole,Propiconazole 7-10 ngày/lần tuỳ vào điều kiện thời tiết. Chú ý phun kết hợp với chất hỗ trợ bám dính (Siloxane Alkoxylate, Latex polymer blend, Siloxanepolyalkyleneoxide) theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất nhằm giúp thuốc lan tỏa tốt, gia tăng hiệu quả sử dụng thuốc.
Chú ý: Phải phun ướt đều toàn tán cây, kể cả những cành phía bên trong tán, Khi phun xịt thuốc ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch trái phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly thuốc an toàn.
Phòng trừ trên diện rộng: Để quản lý hiệu quả bệnh đốm trắng thì việc vệ sinh đồng ruộng phải được thực hiện một cách triệt để, áp dụng nhiều giải pháp quản lý tổng hợp đồng loạt và trên diện rộng (tính cộng đồng)./.
Viện Cây ăn quả miền Nam
|
Bài liên quan