Bó tay với bệnh đốm trắng thanh long
17/6/15
Bệnh đốm trắng hoành hành cây thanh long lại xuất hiện vào mùa mưa năm nay khiến nhiều nhà vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) điêu đứng.
Nông dân Bùi Văn Hiền, thôn 4, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc than vãn: “Từ đầu tháng 4 đến nay bệnh đốm trắng trên cây thanh long bùng phát trở lại. Nếu như năm ngoái vườn thanh long 200 trụ nhà tôi chỉ có khoảng 60 trụ bị nhiễm bệnh với tỷ lệ phổ biến từ 10 - 15%, nay lan rộng cả vườn với tỷ lệ nhiễm trên 30%.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng kết hợp phun thuốc BVTV đặc trị các bệnh nấm, nhưng bệnh không thuyên giảm".
Anh Hiền còn cho biết, vụ thanh long năm ngoái nhà anh lãi gần 20 triệu đồng. Còn năm nay do bệnh đốm trắng bùng phát, qua 3 đợt thu hoạch có tới 80% trái bị hư thối, thất thu hoàn toàn.
Hộ gần bên, gia đình ông Võ Văn Cường có 1.000 trụ thanh long cũng bị “dính” bệnh đốm trắng. Gặp chúng tôi, giọng ông Cường buồn rầu nói: “Lúc đầu bệnh đốm trắng xuất hiện chỉ vài trụ tôi còn lặt bỏ các cành non bị nhiễm, nhưng sau vài tuần bệnh đã lan rộng cả vườn.
Lo lắng quá tôi mua nhiều thuốc đặc trị nấm hoà với nhau, phun 2 lần/tuần, mỗi lần tốn hàng triệu đồng nhưng bệnh chẳng giảm. Hầu hết trái nhiễm bệnh thối sạch, không bán được đồng nào. Hiện tôi vẫn tiếp tục phun thuốc trị nấm, bón phân để chờ mùa nghịch sắp tới gỡ gạc”.
"Hiện vẫn chưa có một loại thuốc BVTV nào đạt hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh đốm trắng trên thanh long. Trong năm 2013, có 8 Cty Nông Dược làm 18 khảo nghiệm trên địa bàn nhằm đánh giá hiệu lực phòng trừ bệnh qua 2 vụ thanh long. Tuy nhiên kết quả chỉ đạt hiệu lực từ yếu đến trung bình đối với bệnh này", ông Lương Nguyên Trần- Trưởng trạm BVTV huyện Hàm Thuận Bắc . |
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết: "Tính đến nay toàn xã có hàng trăm ha thanh long nhiễm bệnh đốm trắng, vườn nhiễm nhẹ từ 10 - 20%, nặng trên 30%. Đáng lưu ý là bệnh này không chỉ xuất hiện ở vườn thanh long SX thông thường, mà cả vườn SX theo tiêu chuẩn VietGAP cũng bị nhiễm".
Ông Nguyễn Minh Tuấn, nông dân trồng thanh long ở thị trấn Ma Lâm cho biết: "Lâu nay chúng tôi chỉ trị bệnh đốm trắng theo kinh nghiệm là ra cửa hàng thuốc BVTV mua từng loại thuốc đặc trị rồi thay nhau phun liên tục.
Trong khi đó việc phòng trừ bệnh như tỉa cắt cành thông thoáng, tiêu huỷ tàn dư cành, hoa, trái bệnh chưa chú trọng. Nhờ cơ quan chuyên môn khuyến cáo nay bà con chúng tôi đã nắm bắt được một số biện pháp phòng trừ".
Trạm BVTV huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, do mưa nhiều nhất là vào buổi tối tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đốm trắng phát triển mạnh. Đến nay toàn huyện đã có 600 ha thanh long bị nhiễm bệnh, trong đó 200 ha nhiễm nặng với tỷ lệ từ 30 - 40%.
Bệnh này do nấm Neoscytalidium dimidiatum (Penz) Crous &Slipper gây ra. Bào tử nấm gây bệnh nảy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhập vào trong mô gây hoại tử, bệnh gây hại cả trên thân, cành và trái. Hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy bà con phòng bệnh là chính.
Ông Lương Nguyên Trần, Trưởng trạm BVTV huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Để phòng ngừa bệnh đốm trắng hiệu quả bà con cần áp dụng các biện pháp canh tác như không tưới nước vào chiều tối vì dễ tạo ẩm độ cao, bào tử nấm gây bệnh nảy mầm gây hại.
Cần tỉa cắt cành thông thoáng, tiêu huỷ tàn dư cành, hoa, trái bệnh; khai thoát nước triệt để, cắt cỏ thường xuyên. Rải vôi bột khử trùng mặt đất. Thường xuyên thăm vườn phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng, Mancozeb.
Đặc biệt bà con không nên lấy giống từ những khu vực bị bệnh hoặc không có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng các loại phân bón cân đối, nhất là các loại phân trung lượng như canxi, magiê, silic… không tưới trên tán, không tưới đẫm nước vào chiều tối. Ngoài ra cần chú ý không nên dùng các loại phân bón lá nhưng bao bì lại hướng dẫn là trừ nấm bệnh.
(Nguồn: Kim Sơ - NNVN)
Bài liên quan