Cách bón phân thanh long đạt hiệu quả cao
27/11/14
Thanh long muốn tăng trưởng mạnh, ra hoa nhiều,đạt năng suất cao người trồng cần phải quan tâm bón phân đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm.Thanh long cũng cần được bổ sung các chất khoáng vi lượng kịp thời để kích thích sinh trưởng, tích lũy dinh dưỡng làm tăng chất lượng của quả.
1. Bón lót và đặt hom thanh long
Thanh long trồng trên đất cao, trước khi đặt hom người ta làm âm xuống một khoảng quanh trụ có cạnh độ l,0 – l,5m, sâu 20 – 30 cm, rồi bón lót độ 10 kg phân chuồng + 0,5 kg Super lân.
Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải phân quanh mô.
- Đặt từ 3 – 4 hom quanh cây chống (trụ), cần chú ý:
+ Đặt hom cạn 0 – 5 cm để tránh thối gốc do đất ẩm.
+ Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ.
Cột hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao hễ đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm,…
2 Bón phân thúc thanh long hàng năm:
-Để cây ra hoa tự nhiên: hiện chưa có thí nghiệm về bón phân cho thanh long trên các loại đất khác nhau. Lượng phân bón thay đổi theo tính chất đất, theo tuổi của cây và theo sản lượng mà cây đã cho. Qua điều tra thu thập số liệu ở các vườn có năng suất cao cho thấy có hai kiểu bón phân điển hình:
- Bón theo đợt: 3 lần/năm chiếm 70% số hộ phỏng vấn.
- Bón rải ra nhiều lần trong năm chiếm 30% số hộ còn lại.
Riêng phân chuồng thì chỉ cần bón 1 lần sau tỉa cành (tháng 11) và đây là loại phân quan trọng nhất là đối với các loại đất thiếu chất hữu cơ, giữ ẩm kém. Ở năm đầu phân hóa học (chẳng hạn Urê) được hòa vào nước và tưới hoặc phun lên cả thân cành thanh long để thúc cành mau leo lên đầu trụ. Các năm sau rải phân quanh gốc rồi tưới nhẹ cho phân hòa tan và ngấm xuống đất.
- Giai đoạn kiến thiết cơ bản: chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tổng lượng phân bón thúc cho thanh long thường được áp dụng là 30 kg Urê + 20 kg NPK (16-16-8)/100 trụ/năm.
Chia ra: sau trồng 15 – 20 ngày thúc 1/3 lượng phân: tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau thúc 113 lượng phân; tháng 6 – 7 thúc nốt 1/3 lượng phân còn lại, cuối năm thứ 1 bắt đầu có trái bói.
Một số nhà vườn đã chia phân bón làm nhiều lần như vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng phân của cây.
Thanh long cần được bổ sung các phân vi lượng bằng cách phun hoặc tưới các chế phẩm như HVP 301, Mymix… như vậy cây thanh long con sẽ tăng trưởng thật mạnh ở giai đoạn đầu và sẽ cho quả sớm. Lượng phân thực sự cây sử dụng ở giai đoạn này rất khó tính vì phân bón cho cây trồng xen thanh long cũng đã sử dụng được một phần.
-Giai đoạn kinh doanh: năm thứ 3 trở đi năng suất đã khá ổn định cần chú trọng tới K, một loại phân cần thiết để làm quả ngon ngọt và chắc hơn. Lượng phân trung bình cho mỗi trụ như sau: phân chuồng 15 – 50 kg; phân lân (Super lân) 0,5 kg; Urê 0,5 kg; NPK (16-16-8) : 1,5 kg; KCl : 0,5 kg; chia phân ra làm 3 lần:
+ Lần thứ 1: sau khi tỉa cành (tháng 10 – 11) gồm: tất cả phân chuồng + tất cả lân + 1/3 Urê. Mục đích là để thúc các đợt lộc cành đầu tiên ra nhanh để nó mau trưởng thành làm cơ sở cho việc ra quả vào mùa tới.
+ Lần thứ 2: cách lần thứ l độ 40 ngày gồm 1/3 Urê + 1/5 NPK + 1/2 KCl để thúc đợt cành thứ 2.
+ Lần thứ 3: vào tháng 3 gồm 1/3 Urê + 2/5 NPK + 1/2 KCl thúc đợt cành cuối cùng và làm đợt cành thứ 1 phân hóa mầm hoa.
Sau ba lần thúc thì bụi thanh long có 3 – 4 lớp cành và đợt nụ đầu tiên bắt đầu xuất hiện, rồi lớp nụ này kế tiếp lớp nụ hoa, lớp quả này kế tiếp lớp quả kia, người làm vườn quan sát sự ra hoa và năng suất mà bón bổ sung từng đợt NPK cho hết 2/5 còn lại bằng cách chia nhỏ lượng phân này rải làm nhiều đợt trong thời gian cây nuôi quả. Ngoài ra, còn bổ sung các chất vi lượng bằng cách phun Mymix hoặc HVP,…
Nguyễn Thị Minh Thu-Phòng QLKHCNCS
Bài liên quan