QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐỐM NÂU HẠI THANH LONG (Quy trình tạm thời)

I. MỤC TIÊU 
Nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật tạm thời phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh 
long, giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất cây thanh long theo hướng sản 

xuất an toàn, bền vững.



II. PHẠM VI ÁP DỤNG
Quy trình kỹ thuật tạm thời quản lý bệnh đốm nâu gây hại cây thanh long được 
áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ, Kiểm dịch thực vật và các tổ 
chức, cá nhân có trồng cây thanh long trên lãnh thổ Việt Nam.
III. NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI 
1. Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh
Bệnh  đốm  nâu  được  ghi  nhận  đã,  đang  xuất  hiện  ở  một  số  nước  như  Trung 
Quốc, Malaysia, Đài Loan. Ở Việt Nam, một số vườn thanh long tại các địa phương 
thuộc  tỉnh  Bình  Thuận  và  Long  An  đã  xuất  hiện  loại  bệnh  này,  tuy  mới  xuất  hiện 
nhưng bệnh có tốc độ lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng. 
Bệnh đốm nâu hại thanh long do nấm  Neoscytalidium dimidiatum  (Penz) Crous & 
Slipper gây ra. Nấm thuộc Bộ Botryosphaeriales; Họ Botryosphaeriaceae.
Bào tử nấm gây bệnh nẩy mầm trên bề mặt tiếp xúc rồi xâm nhập vào trong mô gây 
hoại tử, bệnh gây hại cả trên thân cành và quả thanh long.
2. Triệu chứng bệnh
-  Trên thân cành: khi mới xuất hiện, triệu chứng ban đầu là các vết lõm màu 
trắng (nên một số nông dân còn gọi là bệnh đốm trắng,…), sau đó vết bệnh nổi lên 
thành những đốm tròn màu nâu như mắt cua. Trong điều kiện thuận lợi bệnh phát triển 
mạnh, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành thanh long bị sần sùi, gây thối khô 
từng mảng.
- Trên quả: tương tự như trên thân cành, những đốm làm cho vỏ quả trở nên sần sùi 
thối khô từng mảng. Bệnh nặng có thể gây  nám (rám) cả quả  làm giảm giá trị thương 
phẩm nghiêm trọng.
3. Phương thức lây lan
Bệnh phát sinh phát triển và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, ẩm độ 
không khí cao, nhất là vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Bệnh phát sinh gây hại 
nặng  hơn trên những vườn thanh long bón  nhiều phân đạm, sử  dụng nhiều chất  kích 
thích sinh trưởng. Bệnh đốm nâu cây thanh long lây lan chủ yếu qua các con đường:
- Qua hom giống, tàn dư cây bệnh và các sản phẩm của thanh long. 

-  Bào tử nấm phát tán, lây lan nhờ gió, dòng nước chảy và qua một số sinh vật 
(một số loài ốc sên, côn trùng).
IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG 
Để phòng  chống bệnh đốm nâu hại thanh long hiệu quả phải áp dụng các biện 
pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
4.1. Biện pháp canh tác
-  Vệ sinh sạch cỏ dại, tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để 
vườn quá rậm rạp.
-  Thường xuyên kiểm tra vườn, nhất là những vườn cận kề vườn bệnh và vườn 
um tùm, xanh tốt hoặc vào thời điểm ẩm độ không khí cao.
-  Không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bào tử nấm gây 
bệnh nảy mầm, gây hại. Không tưới phun trên tán cây.
-  Loại  bỏ  những  cành,  quả  bị  bệnh,  thu  gom  chôn  lấp,  rắc  vôi  bột  tiêu  hủy 
(không được bỏ cành bệnh, quả bệnh xuống nguồn nước hay vứt tại vườn).
- Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm và sử dụng nhiều lần chất kích thích 
sinh trưởng khi cây bị bệnh,  Tăng cường bón lân, kali và phân hữu cơ hoai mục cũng 
như việc bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magiê, silíc để tăng sức đề kháng 
cho cây.
4.2. Sử dụng giống sạch bệnh
-  Tuyệt đối không được lấy giống, giâm chiết cành từ những khu vực bị bệnh 
hoặc không có nguồn gốc rõ ràng.
- Không vận chuyển cành, quả bị bệnh từ khu vực có bệnh sang khu vực khác.
4.3. Biện pháp hóa học 
- Rắc vôi bột khử trùng trên mặt đất với liều lượng 1 - 2 tấn/ha.
- Khi phát hiện bệnh đốm nâu mới chớm xuất hiện có thể sử dụng thuốc BVTV 
để phòng trừ bệnh. Hiện nay trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt 
Nam chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh long nên tạm thời sử 
dụng các loại thuốc gốc đồng (Cuprous Oxide, Copper Hydroxide, Copper Sulfate) 
hoặc gốc Mancozeb để phun phòng trừ bệnh; sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 
đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chi  cục  Bảo  vệ  thực  vật  các  tỉnh,  thành  phố  trực  thuộc  Trung  ương  có  trách 
nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức,  cá nhân có trồng  thanh long  áp dụng 
các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh cần báo cáo kịp thời về Cục 
Bảo vệ thực vật để cùng phối hợp giải quyết.   
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
Read more…

Những địa danh không thể bỏ qua khi du lịch Bình Thuận

1. Trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh tọa lạc tại số 39 đường Trưng Nhị, TP. Phan Thiết
Đây là ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Ngôi trường Dục Thanh còn ghi dấu quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ.

2. Dinh Vạn Thủy Tú

Dinh Vạn Thủy Tú
Dinh Vạn Thủy Tú được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ 1762
Trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết có một ngôi đền thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông (cá voi). Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe…

3. Bãi Rạng

Bãi Rạng, Phan Thiết
Bãi Rạng là bãi tắm đẹp nhất ở Phan Thiết. Đừng bỏ qua khi đi du lịch Phan Thiết nhé!
Bãi Rạng hay biển Rạng là bãi tắm đẹp nhất của TP. Phan Thiết. Bãi Rạng cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía Bắc, nằm dưới những rặng dừa dày đặc trông giống khu rừng dừa rất đẹp. Mùa hè về, bãi Rạng chiều nào cũng tấp nập khách đến tắm biển và thưởng thức món cá chuồn xanh nướng ngọt lịm.

4. Hòn Rơm

Hòn Rơm, Phan Thiết
Hòn Rơm với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn rất nguyên sơ
Hòn Rơm là tên một núi nhỏ vẫn còn hoang sơ nằm tại ấp Long Sơn, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, bạn có thể ngồi ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại. Ở Hòn Rơm, cụm bãi tắm có rất nhiều khu như: Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2, Thùy Trang…

5. Tháp Chàm Poshanư 

Tháp Chàm Poshanư
Tháp Poshanư nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hải, cách trung tâm Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc
Tháp Chàm Poshanư là một nhóm di tích còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa. Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Đây là một trong những cụm tháp Chàm cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn. Gần khu tháp Chàm là địa danh lầu Ông Hoàng nổi tiếng, gắn liền với nhà thơ Hàn Mặc Tử và mối tình với người đẹp Mộng Cầm.

6. Hòn Ghềnh

Hòn Ghềnh, Phan Thiết
Từ hòn Ghềnh bạn nhìn thấy một bên là Mũi Né duỗi dài, một bên là Hòn Rơm, tạo thành vòng cung như đôi cánh tay ôm lấy biển.
Cách Mũi Né chưa đầy 1 km, Hòn Ghềnh hay Hòn Lao còn khá nguyên sơ. Để đến được Hòn Ghềnh, bạn có thể đi theo dịch vụ đưa đón khách từ khách sạn hoặc thuê ghe của ngư dân với giá khoảng 200.000VND/thuyền 10 người, bao gồm cả lượt đi và về. Sau chừng 10 phút lênh đênh trên biển bạn sẽ được đặt chân lên đảo. Ấn tượng đầu tiên là nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những tán san hô dưới đáy rất đẹp, những ghềnh đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau. Ngắm cảnh Hòn Lao, đi vào buổi chiều là đẹp nhất, bởi bạn sẽ thấy được ráng chiều và hoàng hôn phủ dần trên biển. Sáng sớm là thời gian thích hợp cho những tay câu nghiệp dư.

7. Đồi Cát ở Mũi Né

Đồi cát ở Mũi Né, Phan Thiết
Đồi cát còn có tên là đồi cát Bay, bởi hình dáng thay đổi liên tục theo từng ngày, từng giờ. Hầu hết các bạn từng đi du lịch Bình thuận đều có ảnh lưu niệm ở đây
Ở gần khu vực Hòn Rơm, một trong những thắng cảnh từng làm mê mẩn bước chân các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia… là đồi cát Mũi Né (thuộc khu phố 5, phường Mũi Né). Ngoài hình dáng đẹp, màu sắc của cát cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách (có đến 18 màu sắc khác nhau). Nếu đi bằng xe máy, du khách gửi xe tại các quán nước đối diện khu vực đồi Cát (nhớ khóa xe và nhắc chủ quán lưu ý dùm). Lên đồi cát, bạn có thể thuê ván để chơi trượt cát, chỉ khoảng 5.000VND một tấm. Chơi xong có thể thưởng thức dừa ba nhát, bánh bột lọc Phan Thiết…

8. Đảo Hòn Bà

Đảo Hòn Bà, Phan Thiết
Đảo Hòn Bà có hình dáng như con rùa khổng lồ vươn mình trên biển
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển Lagi, huyện Hàm Tân gần 2 km về hướng Đông, cách Phan Thiết khoảng 70 km về hướng Đông Nam. Hòn Bà có hình dáng con Rùa khổng lồ đang ngẩng đầu vươn mình trên sóng biển. Trên đảo có đền thờ nữ Thần Thiên Ya Ana – vị thần thiêng liêng của Vương Quốc Chăm-pa cổ.

9. Hải đăng Kê Gà

Hải đăng Kê Gà, Bình Thuận
Hải đăng Kê Gà nay đã hơn 100 tuổi
Từ TP. Phan Thiết, bạn có thể đi xe bus tuyến số 6 (thời gian hoạt động: 5h30 – 18h00), chạy 30 km thì đến hải đăng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nếu tự đi xe máy, bạn chạy theo quốc lộ 1 hướng đi Phan Thiết từ Sài Gòn, đến gần trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) sẽ gặp một ngã ba nhỏ. Rẽ phải theo hướng này, đi thẳng sẽ tới khu vực suối Nhum, bạn quẹo phải đi về mũi Kê Gà. Ngọn hải đăng Kê Gà hùng vĩ đững giữa những bãi biển hoang sơ, nước trong vắt trên đảo Khe Gà. Để ra thăm hải đăng Kê Gà, các bạn có thể liên hệ với resort để thuê tàu hoặc thuê thuyền thúng hoặc tàu của dân địa phương. Thông thường thuyền thúng, tàu của người dân địa phương không trang bị áo phao. Bạn có thể mang theo hoặc liên hệ với resort để thuê.

10. Chùa núi Tà Cú

Tượng Phật núi Tà Cú
Núi Tà Cú có phong cảnh khá đẹp, cây cối xanh um, trọng tâm của khu du lịch là đỉnh núi Tà Cú.
Khu du lịch Núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP. Phan Thiết 30km về phía Nam. Nếu ưa mạo hiểm và có sức khỏe tốt, bạn có thể chinh phục đỉnh núi sau hơn 1000 bậc thang. Cách thứ 2 nhanh hơn, bạn có thể đi cáp treo để lên đỉnh núi sau 15 phút, giá 90.000VND/2 chiều. Trên đỉnh núi có 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và chùa Long Đoàn, nổi tiếng nhất là bức tượng Đức Thích Ca nằm, dài 49 m. Đây là bức tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á. Kế đó, một số du khách tiếp tục hành trình khám phá hang núi với huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây, hang Tổ.

11. Biển và bãi đá Cổ Thạch

Biển và bãi đá Cổ Thạch, Bình Thuận
Biển và bãi đá Cổ Thạch cách TP. Phan Thiết khoảng 100km
Trải dài trên một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, là bãi đá 7 màu nằm trong khu du lịch Cổ Thạch. Đá có nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Bãi đá này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vieetbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Giữa trùng dương trùng điệp và vùng cát trắng mênh mông, sự xuất hiện của bãi đá như điểm hồng tâm đã kéo chân ngày càng nhiều du khách tìm đến thưởng lãm. Bãi đá Cổ Thạch là một địa điểm tham quan thú vị khi đi du lịch Phan Thiết hay du lịch Bình Thuận.

12. Chùa Hang

Cổ Thạch Tự, điểm tham quan Du lịch Bình Thuận
Có thể kết hợp tham quan Cổ Thạch Tự và bãi đá 7 màu khi đi du lịch Bình Thuận
Chùa Hang tên chữ là Cổ Thạch Tự, xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX , toạ lạc trong hang động trên đồi núi Cổ Thạch ở độ cao trên 64 m, thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Chùa được xây dựng trong hang đá lớn do thiền sư Bảo Tạng lập vào khoảng giữa thế kỷ 19. Du khách có thể kết hợp tham quan ngôi chùa cổ kính này cùng với bãi đá 7 màu ở trên.

13. Gành Son

Gành Son, Bình Thuận
Ở Gành Son có những dãy núi hang động mang nhiều hình thù lạ mắt
Đến Cổ Thạch, rẽ phải qua khỏi làng cá Bình Thạnh men theo biển khoảng 5km, bạn hỏi thăm đường vào Ghềnh Son, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Vào buổi sáng tinh sương hay những buổi chiều êm ả, biển lặng, từ trên gành, có thể nhìn thấy toàn cảnh sinh hoạt ấm cúng, nhộn nhịp của làng chài. Màu đỏ của đá, màu xanh của biển như hoà lẫn vào nhau tạo nên một sắc thái hài hoà vừa gần, vừa xa, vừa hư lại vừa thực… Gành Son quả là một tặng vật của thiên tạo chưa được nhiều người biết đến.

14. Cù Lao Câu

Cù Lao Câu, Phan Thiết
Du lịch Bình Thuận hấp dẫn với du lịch sinh thái biển ở Cù Lao Câu
Cù Lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, hiện lên như một chiến hạm lớn, xung quanh bao bọc bởi hàng vạn khối đá với màu sắc và hình thù khác nhau. Đây là một đảo vắng, nằm cách bờ biển khoảng 9km, đi tàu từ đất liền ra hết khoảng 1 giờ 30 phút. Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất độc đáo, xen kẽ là những thảm cỏ xanh mượt. Nơi đây được qui hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển và là điểm du lịch sinh thái biển rất hấp dẫn.

15. Đảo Phú Qúy

Biển ở đảo Phú Quý, Bình Thuận
Biển đảo Phú Quý có nhiều hòn đảo nhỏ xung quanh khi đi du lịch Bình Thuận
Cách bờ biển Phan Thiết 100 km, trên đảo Phú Quý có những ngôi chùa khá lớn như chùa Linh Quang, chùa Cao Cát… được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng, phong phú cùng nhiều bãi tắm như: vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mô Thầy, bãi vịnh Triều Dương. Nếu có dịp đi ra mấy hòn đảo nhỏ xung quanh đảo Phú Quý như Hòn Tranh, Hòn Ðen, Hòn Trứng, chắc hẳn bạn sẽ thấy biển Phan Thiết thực hấp dẫn biết bao.
Read more…

Một số thông tin về tình hình bệnh đốm trắng trên thanh long (Hylocereus undatus L.)

Hylocereus undatus L.)

         
    Bệnh đốm trắng thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt tên cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng. Theo ghi nhận của Viện Cây ăn quả miền Nam thì trên thực tế bệnh này đã xuất hiện rải rác đầu tiên vào năm 2008 tại Bình Thuận và Tiền Giang và đến năm 2011 trở lại đây thì bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn. Mức độ bệnh ở các vườn, địa phương khác nhau, dao động từ 20-50%, có những vườn mất trắng năng suất do quả bị nhiễm bệnh không thể thu hoạch được, thiệt hại rất lớn cho nhà vườn trồng thanh long.
   Neoscytalidium dimidiatum là loài nấm có phạm vi phân bố và có nhiều ký chủ: xoài, cây có múi, thanh long và nhiều cây trồng khác. Trong năm 2011, Bộ môn Bảo vệ thực vật – Viện ăn quả miền Nam đã giám định một số mẫu bệnh đốm trắng trên cành thanh long do Chi cục BVTV Bình Thuận gửi đến. Qua kết quả phân lập và giám định tác nhân đã xác định tác nhân gây bệnh đốm trắng trên thanh long là do nấmNeoscytalidium dimidiatum gây ra. Kết quả cũng tương tự đối với những mẫu bệnh trên cành và trái thanh long ở Long An và Tiền Giang. Trước đây Neoscytalidiumdimidiatum có nhiều tên gọi khác nhau như: Fusicoccum dimidiatum,Scytalidium dimidiatum,Scytalidium lignicolaHendersonula toruloidea, v.v...Qua hai năm theo dõi, chúng tôi ghi nhận được bệnh chủ yếu xuất hiện và tấn công mạnh vào mùa mưa, nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 20-300C, ẩm độ càng cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tấn công và lây lan. Bệnh gây hại trên bẹ non, nụ bông, trái non và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Lúc đầu triệu chứng trên bẹ/trái là những đốm tròn nhỏ màu trắng, vết bệnh trũng thấp so với bề mặt bẹ, về sau vết bệnh có màu vàng cam và phát triển nhô lên những vết ghẻ có màu nâu và đôi khi gây thối nhũn nếu bị bệnh tấn công nặng.
    Trong thời gian qua, mặc dù có rất nhiều khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật, địa phương,…trong việc quản lý bệnh đốm trắng thanh long tuy nhiên hiệu quả áp dụng chưa mang lại kết quả như mong muốn và nguy cơ tồn dư dư lượng thuốc BVTV trên trái do nông dân phun xịt rất nhiều loại thuốc và tần suất phun cao.
  Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu sâu hơn và xây dựng quy trình quản lý hiệu quả và bền vững đối tượng này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã chủ động tiến hành nghiên cứu và đạt được một số kết quả bước đầu rất có triển vọng có thể áp dụng vào sản xuất.
   Sau đây là đề xuất các biện pháp quản lý tạm thời bệnh đốm trắng thanh long:
            - Tỉa bỏ và tiêu huỷ bằng cách chôn sâu hoặc đốt cành, nụ bông, trái bị nhiễm bệnh. Tuyệt đối không được vứt bỏ trên mặt líp hay quăng xuống mương nước sẽ làm mầm bệnh dễ lây lan. Ngoài ra, nên tỉa loại bỏ bớt những cành vô hiệu, cành ốm yếu, cành nằm sâu bên trong tán để tạo điều kiện thông thoáng cho vườn cây và phun sát trùng vết thương bằng nhóm thuốc gốc đồng.
            - Nên bón vôi cho toàn bộ vườn theo định kỳ 1-2 lần/ năm vào đầu và cuối mùa mưa.    
            - Bón phân cân đối, đầy đủ theo quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Chú ý không nên bón quá nhiều phân đạm để thúc cây ra đọt non và bón bổ sung nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma cho cây.
            - Dọn sạch cỏ và tạo điều kiện thoát nước tốt, nhanh chóng cho vườn thanh long trong điều kiện mưa bão. Đối với những vườn được trồng bằng trụ sống (me tây) phải khống chế tối đa sự che phủ phía trên đầu (đỉnh) trụ để tạo điều kiện thuận lợi cho cành thanh long có thể nhận được ánh sáng được đầy đủ hơn. 
            - Tăng cường chăm sóc vườn cây đầy đủ hơn trong điều kiện mùa mưa.
            - Khi cây ra đọt non có thể phun ngừa luân phiên các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chấtPropiconazole, Trifloxystrobin, Iprodione, Mancozeb 7-10 ngày/lần (tuỳ vào điều kiện mưa bão).
            - Ngoài ra, nên rút râu bông thanh long sớm ở thời điểm 2-3 ngày sau trổ và tương tự phun ngừa các loại thuốc nêu trên cho giai đoạn trái non và trái chuẩn bị thu hoạch. Lưu ý khi phun xịt thuốc ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch trái phải tuyệt đối tuân thủ và đảm bảo thời gian cách ly thuốc an toàn.
    Kính chúc bà con quản lý dịch hại trên vườn thanh long thành công và được mùa bội thu./.        

Nguyễn Thành Hiếu, Nguyễn Văn Hoà và Nguyễn Minh Châu
                       Viện Cây ăn quả miền Nam
Read more…

KINH NGHIỆM Ủ PHÂN HỮU CƠ BỔ SUNG MEN VI SINH TRICHODERMA


    Tuy nhiên để đạt hiệu quả kinh tế cao, phân hữu cơ trước khi sử dụng phải được ủ hoại nếu không sẽ có tác dụng ngược lại vì phân tươi còn có những vi sinh vật gây hại làm xót cây, bỏng rễ, gây bệnh cho cây. Hơn nữa, hạt cỏ dại còn sống, sau đó nảy mầm và cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng . do đó, phân hữu cơ cần ủ hoại trước khi sử dụng .

 Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp đã sử dụng phân hữu cơ rất phổ biến. phân hữu cơ làm đất tơi xốp, cây trồng dẽ hấp thụ, an toàn khi sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dung thuốc bảo vệ thực vật. nguồn cung cấp phân hữu  cơ là các loại phân có gốc động vật như : phân gia súc, phân xanh , rác, …
Để tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong phân và giảm thiểu vi sinh vật có hại trong đất, khi ủ phân cần bổ sung men vi sinh trichoderma.
Tác dụng của Trichoderma :
     + Ngăn ngừa rất tốt các bệnh thối rễ, lở cổ rễ, thối thân, . . . cho tất cả các loại cây trồng.
     + Hiệu quả cao trong việc phòng ngừa các loại bệnh do tuyến trùng hại rễ.
     + Đặc biệt còn tăng cường các vi sinh vật có ích và giảm thiểu các vi sinh vật gây hại như nấm : Rhizoctonia, Fusarium, Phytophtora, . . .ngoài ra, trochoderma còn phân hủy nhanh các chất xơ thành các chất hữu cơ cung cấp dinh dưỡng và tăng cường đề kháng cho cây trồng.
 Xin giới thiệu với bà con kinh nghiệm ủ phân hữu cơ có bổ sung men vi sinh Trichoderma của nghệ nhân Nguyễn Tấn Vinh, như sau:
1/-Quy trình ủ phân :
 - Số lượng : 1 tấn phân thành phẩm.
 - Nguyên liệu :
 + Phân chuồng ( phân heo, bò, gà, trâu, . . .) : 400 – 500kg.
 + Xơ dừa, vỏ trấu, vỏ đậu hay các chất bã thực vật gồm : rơm rạ, lá cây, tốt nhất là các cây họ đậu, bèo, lục bình : 500 – 600kg. Tất cả băm nhuyễn dài 2- 3cm
 + Super lân : 30kg.
 + Nước  : 150 – 200 lít (tùy chất độn khô hạn).
 + Men vi sinh vật trichoderma: 3 - 5kg (lượng men càng nhiều phân càng nhanh phân hủy).
 + Bạc phủ
2/- Kỹ thuật ủ phân:
 - Tất cả các thành phần: phân chuồng + men vi sinh Trichoderma+ nước trộn đều đảm bảo hỗn hợp ủ đạt đủ độ ẩm 50-60% (dùng tay bốc lên,nắm chặt thấy nước rỉ ra là được).
 - Đánh thành luống hình than cao khoảng 1,2 -1,5m.
 - Dùng bạc phủ kín tránh mưa nắng trực tiếp trực tiếp để đảm bảo độ ẩm, hạn chế mất đạm trong quá trình lên men vi sinh.
Lưu ý: nhiệt độ không khí càng cao, thời gian ủ càng ngắn. Ngược lại không khí lạnh và nước nhiều phân chậm phân hủy.
3/-Đảo trộn:
     Sau thời gian ủ khoảng 7-10 ngày, nhiệt độ trong phân tăng dần lên khoảng 40-500C. Nhiệt đô tăng cao nhất tại thời điểm ủ đạt đủ độ ẩm sau 25- 30 ngày, có thể tăng đến 50-600C. Lúc này phân cần được đảo trộn để tăng cường hoạt động của men vi sinh. Khi đảo trộn nếu thấy phân khô cần bổ sung thêm nước để đạt độ ẩm 50-60% là tốt. Sau 50- 60 ngày, nhiệt độ giảm dần xuống 300C. khi đó phân đã hoai, khối lượng giảm hơn so với lúc ban đầu.
4/-Sản phẩm sau khi ủ phân:
     Sau khi ủ phân, tất cả nhiên liệu đả hoai, phân tơi xốp, chuyển sang màu nâu sẫm, không còn mùi hôi, không nóng, có thể sử dụng như phân hữu cơ vi sinh thích hợp cho tất cả các loại cây trồng như:dùng làm bầu ươm cây con,chất trồng cho hoa kiểng hoặc bổ sung phân bón khi thay chậu, thay đất cho các loại cây kiểng như mai vàng, bonsai, sứ đỏ, kiển lá màu…
     Phân  có thể sử dụng chung với phân khoán vô cơ. Tuyệt đối không trộn trực tiếp với vôi bột vì vôi làm hủy diệt hệ lên men vi sinh.

Nguyên Bình (tổng hợp)
Read more…

Giá trị dinh dưỡng từ trái thanh long

Thanh long là trái cây mới được liệt kê vào danh sách nhóm "siêu thực phẩm" với một số lợi ích sức khỏe chắc chắn và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy không phải là một "thần dược" có tác dụng chữa bệnh, thanh long là một loại quả ăn ngon mà lại bổ dưỡng.
Những lợi ích mà thanh long đem lại
Giàu protein: Thanh long là nguồn phong phú protein - một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể hình thành các kích thích tố, men tiêu hóa và hóa chất, có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe.
Chất béo có ích: Thanh long có nhiều hạt nhỏ chứa chất béo không bão hòa, rất tốt cho sức khỏe, bởi vì nó giúp làm tăng cholesterol tốt và loại bỏ cholesterol xấu.

Nhiều khoáng chất có ích: Các khoáng chất chứa trong trái thanh long bao gồm phốt pho và canxi. Cả hai khoáng chất này đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hình thành của xương, răng và phát triển các tế bào.
Chống oxy hóa: Thanh long cũng là nguồn phong phú chất chống oxy hóa, có chức năng ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do gây hại, vốn là tác nhân gây ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Ngừa táo bón: Khi bị táo bón, bạn có thể cải thiện tình hình nhanh chóng bằng cách ăn thanh long, vì đây là trái chứa nhiều chất xơ.
Kiểm soát đường huyết: Các thành phần chứa trong trái thanh long đã được chứng minh có tác dụng giúp ổn định mức đường huyết, đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường típ 2.



 Ổn định huyết áp: Ăn thanh long có thể để giúp ổn định huyết áp, mang lại nhiều lợi ích cho những người có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Trung hoà độc tố: Để giúp vô hiệu hóa các loại độc tố trong cơ thể như thủy ngân, thạch tín và những chất khác gây nguy hiểm cho sức khỏe, bạn nên thường xuyên ăn thanh long.
Cải thiện thị lực: Cũng như cà rốt, thanh long có chứa nhiều carotene, có tác dụng duy trì và cải thiện thị lực.
Giúp giảm cân: Để có thể hình lý tưởng, hãy bổ sung thanh long vào thực đơn hàng ngày. Bạn sẽ thấy hiệu quả mang lại chỉ trong vài tháng.
Giảm ho và suyễn: Ho và hen suyễn là một số rối loạn hô hấp thường ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Để giảm các triệu chứng khó chịu này, bạn chỉ cần siêng ăn thanh long.
Một số món ăn được chế biến từ thanh long
- Thanh long dầm sữa chua hoặc hoa quả dầm: Nếu bạn là người hâm mộ các món hoa quả dầm sữa chua thanh mát, thanh long hẳn sẽ là sự lựa chọn số 1. Thanh long cắt miếng nhỏ vừa ăn dầm trong ly sữa chua, cho thêm ít đá xay nhỏ vào là một trong những món ăn chơi phổ biến của không ít người, đặc biệt vào những ngày hè nóng bức. Cảm giác ngọt mát, thanh thanh sẽ ngay lập tức khiến bạn không thể không thích món ăn này,
- Thạch thanh long: có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, giúp giảm mỡ, làm đẹp da mặt… Bạn cho nước, bột thạch và lá dừa vào nồi, đun sôi. Nấu cho tới khi bột thạch hòa tan. Để nhỏ lửa, thêm nước cốt dừa, đường và thanh long vào khuấy đều, đun sôi lại rồi tắt bếp. Vớt bỏ lá dừa, đổ hỗn hợp vào khay, để nguội và cho vào tủ lạnh bảo quản, dùng ăn mát. Làm món này hơi cầu kỳ một chút, tuy nhiên bạn sẽ có được một món ăn vô cùng khoái khẩu!

kem-thanh-long1

- Chè thanh long: mát bổ và rất dễ ăn. Thanh long rửa sạch, lột bỏ vỏ, dùng muỗng múc thành từng viên tròn. Dừa khô vắt lấy nước cốt, pha chung với kem sữa tươi, quậy đều, cho vào tủ lạnh, ngăn mát. Đun sôi nước cho đường vào nấu tan, thêm vani, quậy đều, để nguội. Xếp khoảng 8 – 10 viên thanh long vào tô, chan nước đường, nước đá đập nhuyễn, nước dừa sữa. Dùng ăn giải nhiệt, giải khát rất tốt.
- Bài thuốc chứa hoa, viêm phế quản: Dùng 15 – 30g hoa tươi, sắc uống hoặc 10 – 12g khô sắc uống hoặc hãm thay trà để uống. Hoặc lấy 30g hoa thanh long nấu với thịt heo nạc làm canh ăn, có tác dụng bổ phế, trừ ho.
Theo OneHealth (Tổng hợp)
Read more…

Giới thiệu thanh long Bình Thuận

Introdution of BinhThuan dragon fruits and Agricultural Competitiveness Project.
Read more…

Cách bón phân thanh long đạt hiệu quả cao

Thanh long  muốn tăng trưởng mạnh, ra hoa nhiều,đạt năng suất cao người trồng cần phải quan tâm bón phân đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm.Thanh long cũng cần được bổ sung các chất khoáng vi lượng kịp thời để  kích thích sinh trưởng, tích lũy dinh dưỡng làm tăng chất lượng của quả.

Trái thanh long
Trái thanh long

 1. Bón lót và đặt hom thanh long

Thanh long trồng trên đất cao, trước khi đặt hom người ta làm âm xuống một khoảng quanh trụ có cạnh độ l,0 – l,5m, sâu 20 – 30 cm, rồi bón lót độ 10 kg phân chuồng + 0,5 kg Super lân.
Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải phân quanh mô.
- Đặt từ 3 – 4 hom quanh cây chống (trụ), cần chú ý:
+ Đặt hom cạn 0 – 5 cm để tránh thối gốc do đất ẩm.
+ Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ.
 Cột hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao hễ đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm,…

 2 Bón phân thúc thanh long hàng năm:

-Để cây ra hoa tự nhiên: hiện chưa có thí nghiệm về bón phân cho thanh long trên các loại đất khác nhau. Lượng phân bón thay đổi theo tính chất đất, theo tuổi của cây và theo sản lượng mà cây đã cho. Qua điều tra thu thập số liệu ở các vườn có năng suất cao cho thấy có hai kiểu bón phân điển hình:
- Bón theo đợt: 3 lần/năm chiếm 70% số hộ phỏng vấn.
- Bón rải ra nhiều lần trong năm chiếm 30% số hộ còn lại.
 Riêng phân chuồng thì chỉ cần bón 1 lần sau tỉa cành (tháng 11) và đây là loại phân quan trọng nhất là đối với các loại đất thiếu chất hữu cơ, giữ ẩm kém. Ở năm đầu phân hóa học (chẳng hạn Urê) được hòa vào nước và tưới hoặc phun lên cả thân cành thanh long để thúc cành mau leo lên đầu trụ. Các năm sau rải phân quanh gốc rồi tưới nhẹ cho phân hòa tan và ngấm xuống đất.
 - Giai đoạn kiến thiết cơ bản: chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tổng lượng phân bón thúc cho thanh long thường được áp dụng là 30 kg Urê + 20 kg NPK (16-16-8)/100 trụ/năm.
Chia ra: sau trồng 15 – 20 ngày thúc 1/3 lượng phân: tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau thúc 113 lượng phân; tháng 6 – 7 thúc nốt 1/3 lượng phân còn lại, cuối năm thứ 1 bắt đầu có trái bói.
Một số nhà vườn đã chia phân bón làm nhiều lần như vậy nâng cao được hiệu suất sử dụng phân của cây.

Thanh long cần được bổ sung các phân vi lượng bằng cách phun hoặc tưới các chế phẩm như HVP 301, Mymix… như vậy cây thanh long con sẽ tăng trưởng thật mạnh ở giai đoạn đầu và sẽ cho quả sớm. Lượng phân thực sự cây sử dụng ở giai đoạn này rất khó tính vì phân bón cho cây trồng xen thanh long cũng đã sử dụng được một phần.

 -Giai đoạn kinh doanh: năm thứ 3 trở đi năng suất đã khá ổn định cần chú trọng tới K, một loại phân cần thiết để làm quả ngon ngọt và chắc hơn. Lượng phân trung bình cho mỗi trụ như sau: phân chuồng 15 – 50 kg; phân lân (Super lân) 0,5 kg; Urê  0,5 kg; NPK (16-16-8) : 1,5 kg; KCl : 0,5 kg; chia phân ra làm 3 lần:
 + Lần thứ 1: sau khi tỉa cành (tháng 10 – 11) gồm: tất cả phân chuồng + tất cả lân + 1/3 Urê. Mục đích là để thúc các đợt lộc cành đầu tiên ra nhanh để nó mau trưởng thành làm cơ sở cho việc ra quả vào mùa tới.
+ Lần thứ 2: cách lần thứ l độ 40 ngày gồm 1/3 Urê + 1/5 NPK + 1/2 KCl để thúc đợt cành thứ 2.
+ Lần thứ 3: vào tháng 3 gồm 1/3 Urê + 2/5 NPK + 1/2 KCl thúc đợt cành cuối cùng và làm đợt cành thứ 1 phân hóa mầm hoa.
Sau ba lần thúc thì bụi thanh long có 3 – 4 lớp cành và đợt nụ đầu tiên bắt đầu xuất hiện, rồi lớp nụ này kế tiếp lớp nụ hoa, lớp quả này kế tiếp lớp quả kia, người làm vườn quan sát sự ra hoa và năng suất mà bón bổ sung từng đợt NPK cho hết 2/5 còn lại bằng cách chia nhỏ lượng phân này rải làm nhiều đợt trong thời gian cây nuôi quả. Ngoài ra, còn bổ sung các chất vi lượng bằng cách phun Mymix hoặc HVP,…

Nguyễn Thị Minh Thu-Phòng QLKHCNCS 
Read more…

Vắt kiệt sức cây thanh long

Thanh long ở Bình Thuận đang được giá khiến người dân ồ ạt chong đèn ép cây ra trái liên tục. Việc làm này đang khiến cho cây thanh long bị suy yếu, vàng úa và chết dần chết mòn.


Vắt kiệt sức cây thanh long
Người dân thi nhau chong điện để ép cây thanh long ra quả - Ảnh Tiểu Thiên
Hành xác cây thanh long
Thường vào dịp cuối tháng 2 là người dân đã dừng chong đèn, cho cây nghỉ dưỡng, tích tụ dưỡng chất để tái sản xuất vào vụ mùa. Nhưng hiện tại, giá thanh long tăng cao từ 26.000 - 28.000 đ/kg, người trồng đang có lãi khá cao. Chỉ chong thêm vài pha điện là kiếm vài trăm triệu dễ như chơi nên người dân ở tỉnh Bình Thuận đua nhau chong bóng đèn để “kích” thanh long ra trái hết công suất.
Ruộng thanh long gần 400 trụ của gia đình ông Trần Văn Mười (46 tuổi, thôn 7, xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc) vụ trái mùa này đã chong đèn đến lứa quả thứ 4. ông Mười cho biết: “Thanh long đang được giá thì cứ chong mà bán chứ đợi đến vụ mùa giá rẻ bèo có lời lãi gì đâu. Tôi cũng chong hết lần này để kiếm chút đỉnh rồi cho cây nghỉ”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bé (31 tuổi, xã Mương Mán, H.Hàm Thuận Nam) cũng chong thêm vài pha điện kiếm ít tiền trước mắt cho chắc ăn vì giá thanh long đang cao.
Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận phân tích: “ Xong một lứa quả thì phải để cây nghỉ dưỡng sức, tích trữ dinh dưỡng một thời gian khoảng 3 tuần thì mới đảm bảo sức cho cây ra quả đều, năng suất ổn định và chất lượng quả thanh long được đảm bảo”.
Vàng úa vì suy dinh dưỡng
Thanh long bị chong điện liên tục ép ra trái khiến cành thanh long bị suy dinh dưỡng chuyển màu vàng úa. Nhiều ruộng mới trồng cho thu hoạch được vài năm nay đã vội chong đèn ép cây ra trái khiên cây bị suy yếu, trái ra không nhiều, còi cọc và chết dần. Thời gian cho quả của thanh long kéo dài từ 15-20 năm, nhưng tại H.Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam một số hộ nông dân mới trồng được 5 -7 năm thanh long đã còi cọc và chết nên phải nhổ trụ để trồng mới.
Thiếu hụt điện sinh hoạt
Người dân thôn Phú Lập, xã Hàm Phú, H.Hàm Thuận Bắc đang kêu trời vì điện sinh hoạt cứ chập chờn, yếu không dùng được. Điện để cho con em học hành và phục vụ sinh hoạt của người dân bị thiếu hụt nghiêm trọng là do một số hộ kéo điện sinh hoạt để chong thanh long.
Ông Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc điện lực H.Hàm Thuận Bắc cho biết một số hộ trồng từ 100 đến 150 trụ thanh long thường lén lút câu điện sinh hoạt để chong thanh long.  “Tôi phải cho nhân viên đi kiểm tra liên tục, cứ phát hiện những hộ sử dụng điện sai mục đích là chúng tôi tiến hành cắt điện và xử phạt ngay”, ông Tòng nói.
Để thanh long ra nhiều trái, xoay vòng lứa nhanh, người dân còn sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích, thuốc tăng trưởng. Ông Nguyễn Văn Tiến (46 tuổi, xã Mương Mán) tiết lộ: “mỗi lứa quả tôi dùng ít nhất 7 loại thuốc, từ thuốc sâu đến thuốc kích thích”. Việc lạm dụng các loại thuốc khiến cây thanh long trở nên ốm yếu, sức đề kháng kém dẫn đến phát sinh nhiều loại bệnh và sâu hại mới. Đặc biệt gây thiệt hại nặng nề nhất là bệnh đốm trắng ở cành và quả thanh long.
Với kiểu làm ăn chớp nhoáng, thấy lợi trước mắt như hiện nay thì cây thanh long đang thực sự bị hành xác và chết dần chết mòn.
Tiểu Thiên
Read more…