“Thất mùa” thanh long tết
30/1/16
Tết Nguyên đán 2016 cận kề. Thế nhưng, dường như chưa bao giờ nông dân Bình Thuận lại rơi vào hoàn cảnh nông sản bán tết rớt giá thê thảm như hiện nay.
Chăm sóc thanh long. Ảnh: L.G |
Do giá rét?
Những ngày cuối năm, đợt giá rét kỷ lục trải khắp khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ và phía Trung Quốc. Nghe ra có vẻ không liên quan gì đến Bình Thuận. Nhưng thực tế, liên tiếp các ngày gần đây, báo chí phản ánh hàng trăm xe hàng nông sản của Việt Nam, gồm dưa hấu và thanh long bị dồn ứ ở cửa khẩu phía Bắc do tuyết rơi, khiến giá các mặt hàng này xuống cực thấp. Đây có thể là một trong những lý do khiến thời điểm cận Tết Nguyên đán năm nay, nông dân Bình Thuận phải chịu thua lỗ nặng nề.
Dưa hấu bán tại vườn giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Thanh long giảm giá liên tục, từ 10.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn hiếm người mua. Riêng thanh long bị nấm có khi cho không ai lấy...
Có mặt ở vài nơi trồng thanh long thuộc huyện Hàm Thuận Bắc - chúng tôi không khỏi xót xa cho công sức, mồ hôi của nông dân bỏ ra khi giá thanh long quá rẻ. Không ít vườn thanh long đến kỳ thu hoạch, nhưng nông dân vẫn cố “neo” trên cành. Ông Phạm Hữu Trường (xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Thanh long hiện chỉ còn 4.000 đồng/kg. Riêng loại bị đốm nâu thì hầu như đổ bỏ. Theo ông Trường, chỉ riêng chi phí chong điện, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, gia đình chi hết gần 10 triệu đồng cho lứa chong đèn vừa qua.
Chị Trang ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) đang tỏ ra lo lắng vì tết này không có thu nhập. “Thời điểm này năm ngoái, thanh long trên dưới 20.000 đồng/kg, nông dân vui mừng vì có lãi, rủ nhau đi sắm tết. Năm nay, với giá cả như trên thì thua lỗ nặng. Bà con đang thấp thỏm chờ giá thanh long lên. Giá lên may ra mới ăn tết vui vẻ.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Hàng năm, trước khi đến Trung Thu, Tết Nguyên đán hay Thanh minh, người trồng thanh long thường “canh” thời gian để cây cho trái thu hoạch vào đúng các dịp lễ bởi khi đó sức mua tăng cao. Thế nhưng, vụ tết năm nay, nhiều người trồng thanh long không dám chong đèn vì sợ “mất cả chì lẫn chài”. Trong nhiều lý do thì có lý do ngoài yếu tố giá cả thị trường, còn có yếu tố áp lực của nhiều loại sâu bệnh đang diễn ra, gây thiệt hại cây trồng. Cộng thêm, nguồn nước tưới tại vùng trồng thanh long trọng điểm là Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam bắt đầu vào giai đoạn thiếu hụt, không bảo đảm tưới cho nhiều diện tích, dẫn đến chong đèn không hiệu quả. Dù lý do gì đi nữa, thì lượng thanh long được thu hoạch hàng ngày ở Bình Thuận cũng không phải là ít. Để giải quyết được vấn đề đầu ra, nhiều giải pháp đã được ngành công thương, nông nghiệp đưa ra, trong đó có giải pháp tăng cường quảng bá và tiêu thụ nội địa. Vấn đề là cách làm như thế nào để mang lại hiệu quả, có lợi cho nông dân lẫn người tiêu dùng.
Bài liên quan